Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi: "Hãy cứ chân thật, cuộc sống sẽ không phụ bạn"

Là một đạo diễn, diễn viên lồng tiếng, nghệ sĩ Đạt Phi rất ít khi xuất hiện trước màn ảnh hay công chúng bởi tính chất công việc.
 

Mới đây, Đạt Phi đã đồng ý ngồi ghế giám khảo cho chương trình “Thanh âm quyền năng” – chương trình dành cho những người đam mê với công việc lồng tiếng.

Với vai trò mới này, nghệ sĩ Đạt Phi đã buổi trò chuyện với Dân Việt để chia sẻ những cảm xúc của mình trong lần đầu tiên ngồi ghế nóng một gameshow truyền hình cũng như những trăn trở của mình với nghề lồng tiếng hiện nay.

Là một đạo diễn, diễn viên lồng tiếng ít khi xuất hiện trên sóng truyền hình, vậy lý do nào để anh nhận lời ngồi ghế nóng “Thanh âm quyền năng”?

– Như đã biết “Thanh âm quyền năng” là một chương trình tôn vinh những người làm việc thầm lặng phía sau màn ảnh. Là một người làm công việc lồng tiếng như tôi thì tôi quá phù hợp với chương trình rồi. Đồng thời, tôi cũng là người có thâm niên trong công việc này. Vì vậy khi chương trình ngỏ lời mời, tôi đã nhận lời tham gia như một lẽ tất yếu.

Nghệ sĩ Đạt Phi được nhiều người gọi là "phù thuỷ lồng tiếng".

Lần đầu tiên có một gameshow dành cho những diễn viên lồng tiếng xuất hiện tại Việt Nam, anh có cảm nhận như thế nào?

– Tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện. Bởi vì lần đầu tiên có một chương trình để tôn vinh công việc của những người đứng phía sau màn ảnh. Từ trước đến nay chưa bao giờ có một chương trình như vậy. Đây là niềm vui cho công việc của tôi, một công việc vốn dĩ rất thầm lặng…

Và anh cảm thấy như thế nào trong lần đầu tiên ngồi ghế nóng một gameshow truyền hình?

– Có thể nói tâm trạng của tôi được gói gọn bằng 4 chữ “H” là hồi hộp và hào hứng. Vì sau bao nhiêu năm làm công việc ngồi lồng tiếng thì bây giờ tôi lại được ngồi ghế ban giám khảo để tìm kiếm những nhân tài mới. Tôi cũng muốn tìm những nhân tố mới trong lớp trẻ để sau này cộng tác với công ty của tôi.

Vậy anh có nghĩ mình sẽ khó tính trong việc nhận xét các thí sinh?

– Tôi chỉ nhận lời làm ban giám khảo cho 6 số đầu tiên của chương trình “Thanh âm quyền năng”, vì tôi cũng khá bận với công việc lồng tiếng của mình. Nhưng ngay từ số đầu tiên tôi đã được khán giả bình chọn là giám khảo thân thiện rồi nên tôi nghĩ mình không khó tính đâu.

Bởi vì nếu như trong công việc chuyên môn thì tôi sẽ là một người rất khó tính và cầu toàn. Nhưng đây không phải là một cuộc thi mà là sân chơi dành cho những người yêu công việc lồng tiếng và qua sân chơi này, tôi tìm kiếm những nhân tố mới để cộng tác với mình, vậy hà cớ gì mình phải khó khăn với các bạn.

Tất cả các bạn tham gia chương trình đa số là những người không chuyên nghiệp. Họ chỉ đơn giản là những người có niềm đam mê với công việc lồng tiếng, ít nhiều cũng đã từng va chạm với công việc này. Vì vậy tôi chỉ xem đây là một sân chơi và tôi phải chơi, phải thân thiện với các bạn ấy thì các bạn mới có động lực để chơi chứ tôi căng thẳng quá làm sao mà các bạn dám chơi nữa.

Nghệ sĩ Đạt Phi không dám nhận mình là "phù thuỷ lồng tiếng"

Anh nghĩ sao về danh xưng “phù thuỷ của giới lồng tiếng” mà mọi người đặt cho mình?

– Thực sự mà nói, mỹ từ “phù thuỷ” là mọi người yêu mến đặt cho tôi chứ trên tôi vẫn còn rất nhiều bậc tiền bối, nhiều người rất giỏi nữa… nên tôi không dám nhận danh xưng này.

Không phải vì tôi lồng tiếng hay đến mức mọi người gọi là “phù thuỷ” mà vì khi tôi hướng dẫn cho những diễn viên mới vào nghề, tôi đã “biến hoá” họ thành một con người khác. Khi họ làm một vai khó, tôi hướng dẫn họ cách diễn xuất, cách lồng tiếng sao cho thật hay. Và khi sản phẩm đó công chiếu, khán giả xem rồi công nhận diễn viên đó lồng tiếng tốt. Nhiều người cho rằng, chỉ “phù thuỷ” mới làm được việc hướng dẫn các diễn viên từ mức “non nghề” lên mức chuẩn.

 Tôi nghĩ rằng, danh xưng “phù thuỷ” không phải dùng để nói công việc lồng tiếng mà “phù thuỷ” về hướng dẫn cho những bạn mới vào nghề. Với tôi, mình làm tròn trách nhiệm và làm tốt với công việc của bản thân là cảm thấy hạnh phúc rồi.

Là một người dành gần trọn tuổi đời cho nghề lồng tiếng, vậy trăn trở của anh đối với nghề lồng tiếng hiện nay là gì?   

– Trăn trở về công việc hiện nay của tôi và cũng là niềm trăn trở chung của tất cả anh chị làm việc lồng tiếng đó là về thù lao. Thù lao của diễn viên lồng tiếng hiện chưa được nhận xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Thù lao lồng tiếng bây giờ không bằng cách đây mười năm, trong khi vật giá lại leo thang.

Bây giờ người ta thích trả rẻ nên chọn những người cũng biết chút chút về lồng tiếng nhưng tài năng chưa tới. Những người này vì muốn làm công việc đó nên sẵn sàng nhận mức thù lao thấp. Cuối cùng, điều này làm cho thị trường lồng tiếng bị thụt lùi. Thụt lùi về thù lao nhưng nhân công lại cạnh tranh nhau vì ngày càng đông lên.

Đối mặt với những điều đó, nghề lồng tiếng lại không có được một hiệp hội, hay sự đoàn kết giữa những người làm nghề để giữ được giá trị của bản thân mình. Tại bạn muốn giữ được giá trị của bản thân thì bạn phải có trị giá (cười). Còn khi bạn làm giá rẻ thì giá trị của bạn sẽ không còn nữa.

Tôi cũng học được một bài học về giá trị từ một người bạn, cũng là khách hàng lớn của tôi. Họ nói một câu mà tôi rất là tâm đắc: “Bạn đừng bao giờ làm ở giá rẻ, khi bạn làm ở giá rẻ rồi suốt đời bạn không bao giờ làm được giá cao”.

Ngoài lồng tiếng, Đạt Phi còn có một tình yêu mãnh liệt dành cho lịch sử.

Với tình hình đó, anh làm cách nào để học trò của mình luôn giữ được lửa nghề?

– Thì đương nhiên đó là tình hình chung, riêng trong “lãnh địa” của tôi, trong vòng kiểm soát của công ty thì tôi luôn giữ vững giá trị cho bản thân mình và cho tất cả những người liên quan tới mình.

Ví dụ, học trò của tôi đào tạo, tôi cũng giữ giá trị của họ, mặc dù họ chỉ là người mới, dạy cho họ về cách sống, về cách xử sự. Nếu như tôi không thay đổi được cả thị trường thì ít nhất bản thân tôi cũng phải thay đổi.

Được biết, bên cạnh công việc lồng tiếng anh còn là một người khá tâm huyết với việc truyền bá sử Việt, cơ duyên nào để anh nghĩ ra ý tưởng này?

– Thật ra ngay từ hồi học phổ thông tôi đã thuộc dạng giỏi môn sử nên rất thích lịch sử. Không chỉ riêng sử Việt mà tôi còn yêu cả lịch sử thế giới, tôi cũng là một fan của Napoleon. Nhưng càng lớn tuổi thì lại thấy yêu sử Việt nhiều hơn.

Và cơ duyên là cách đây khoảng 4-5 năm về trước, khi tôi có nói với mọi người về nhân vật Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi), nhưng trong công ty không ai biết về nhân vật này.

Điều này đã khiến tôi sốc và thật sự hoảng sợ, bởi vì nếu chúng ta không biết lịch sử thì chúng ta sẽ bị mất gốc. Nguồn gốc của dân tộc mình phải thông qua lịch sử, nếu bạn không biết gì về sử có nghĩa là bạn không còn là một người Việt Nam nữa, không chỉ vậy các thế lực bên ngoài luôn lăm le đồng hoá mình mà mình không biết gì về lịch sử dân tộc có nghĩa là mình không còn chuyện gì để kể cho con cháu nghe về ông bà mình nữa. Vì những lý do này tôi nghĩ mình phải làm gì đó.

Tôi thấy mình có lợi thế về chất giọng, nếu như trước đây tôi “bán giọng nuôi thân”, lồng tiếng phim Hồng Kông hay lan toả những bộ phim lịch sử Trung Quốc thì bây giờ tôi phải dùng giọng của mình để mang tình yêu sử Việt lan toả đến mọi người.

Và may mắn khi đó tôi cũng quen biết Phan Vĩnh Lộc – một bạn trẻ đến từ Nha Trang. Dù còn trẻ nhưng bạn ấy lại rất yêu sử và có khả năng viết sử rất hài hước. Tôi nghĩ rằng, lịch sử vốn đã khô khan, nếu như kể khô khan nữa sẽ không ai thích nghe. Vì vậy, tôi đã lấy những bài viết của bạn đó để đọc và đăng lên facebook của mình. Tôi thấy lượng người xem trên cả nghìn người và nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Sau đó, tôi lại làm thêm đăng lên trang Youtube, qua một ngày thì cũng có 1-2 nghìn người xem thì tôi tự nhủ rằng: “Có 1-2 nghìn người xem thì tôi đã có thêm chừng đó người biết thêm về sử, biết về những câu chuyện này”. Đó quả là một thành công.

Cứ như vậy, tôi từng bước phát triển công việc này. Lúc đầu tôi chỉ ngồi kể, lồng nhạc vào thôi, dần dần tôi nâng cấp lên bằng cách làm thêm âm thanh, lồng tiếng rồi vẽ hình nên bây giờ sự lan toả của nó đã ở mức rất đông rồi.

Sau đó, tôi lại tiếp tục truyền cảm hứng cho các bạn trẻ của trang “Việt sử kiêu hùng”. Con đường hiện tại mà các bạn đang đi là do tôi chỉ, chứ ngay từ đầu con đường này không phải là lựa chọn của các bạn ấy.

 Nhóm bạn này có đội ngũ vẽ và tôi thì có đội ngũ lồng tiếng, âm thanh. Hai bên kết hợp với nhau, thì bây giờ các bạn ấy đã có mấy trăm ngàn người theo dõi rồi và bên tôi chỉ có 100 ngàn người thôi. Tôi thấy rằng, chỉ có làm như vậy thì sự lan toả mới mạnh mẽ.

Có thể thấy vẫn còn nhiều khán giả trẻ thích và theo dõi anh kể các trang sử hào hùng của dân tộc, anh có suy nghĩ ra sao?

– Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Thật ra mà nói những bạn trẻ quan tâm đến lịch sử họ còn giỏi hơn cả tôi, tại vì các bạn trẻ rất năng động. Họ biết pr, biết marketing, nghĩ ra những điều rất thú vị và những hoạt động rất thiết thực để lan toả tình yêu đối với sử Việt.

Thường hoá thân vào những nhân vật để thể hiện giọng đọc truyền cảm, vậy có thể hình dung Đạt Phi là một người như thế nào?

– Trong cuộc sống tôi là một người rất đơn giản, giản dị. Tôi xuất thân từ một gia đình không phải là giàu có, bước lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng và với một niềm đam mê mãnh liệt về điện ảnh. Khi còn đi học tôi phải tự mày mò tìm công việc làm, từ đó dần phát triển lên cho đến sau này.

Nhưng trong cuộc sống, tôi cũng chưa bao giờ chấp nhận bản thân chỉ là một người đi làm công. Khi đi làm công, tôi luôn mơ ước, tìm tòi, học hỏi để sau này tôi làm một cái gì đó cho riêng mình, để tôi có thể tự quyết định và thể hiện được mọi thứ mà tôi cần.

Quan điểm về cuộc sống của anh là gì?

– Nó cũng giống như tôn chỉ của công ty tôi. Nói chung tinh thần của công ty tôi như thế nào thì nó sẽ giống như con người của tôi như thế.

Bên cạnh đó, tôi còn là một người luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Cho nên nếu như ai đó hỏi rằng tôi có bị stress, bị căng thẳng không? Thì tôi có thể nói bản thân mình chưa bao giờ căng thẳng. Thậm chí, lúc ở giữa ranh giới sinh tử thì tôi cũng chưa bao giờ lo lắng hay e sợ điều gì vì cái gì đến nó sẽ đến. Khi mình lạc quan thì sẽ bình tĩnh vượt qua mọi trở ngại hơn là cứ phải lo sợ, bởi vì khi bạn lo sợ điều đó nó vẫn sẽ đến, vì vậy, tại sao phải lo sợ (cười).

Hãy cứ sống chân thật, thật thà. Bạn có thể gặp một người bạn và cứ ngỡ họ thật thà rồi bạn bị họ lừa, rồi bạn cảm thấy thất vọng với cuộc đời này. Bạn nghĩ rằng, mình không nên thật thà nữa, thật thà là thường thua thiệt nhưng sai rồi, bạn hãy cứ thật thà đi. Ví dụ, 10 người bạn gặp, 1 người lừa bạn nhưng 9 người còn lại sẽ tốt với bạn thì tại sao ta lại không tiếp tục sống như vậy. Đó là chân lý mà tôi rút ra từ cuộc đời của mình vì vậy tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ thấu hiểu và sống thật tốt giữa cuộc sống xô bồ này.  

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Hà
Báo Dân Việt

CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG GIẢI TRÍ ĐẠT PHI

Địa chỉ: 251C Lương Định Của, An Phú, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh

SDT: (028) 6683 7788 – HOTLINE: 088 834 3078

Email: quangcao@datphimedia.com

Hãy kết nối với chúng tôi!

© 2021 – Bản quyền của Công Ty TNHH Truyền Thông Giải Trí Đạt Phi
Giấy chứng nhận Đăng ký Kinh doanh số 0312092359 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18/12/2012.